Không chỉ là nội dung chúng tôi gỡ xuống, mà là cách chúng tôi xử lý tất cả những nội dung đang để lại trên YouTube sẽ mang lại cho chúng tôi con đường phát triển tốt nhất.
Thông tin sai lệch đã chuyển từ kênh bên lề sang kênh chính thống. Không chỉ xoay quanh các vấn đề bạo lực, thông tin sai lệch giờ đây đã tràn lan trong mọi ngóc ngách của xã hội, cộng đồng với tốc độ chóng mặt. Dường như không có chủ đề nào “miễn nhiễm” với thông tin sai lệch. Chúng tôi thường xuyên gặp phải thông tin sai lệch giữa những tin nóng. Sau khi những sự kiện thảm khốc như tấn công bạo lực nổ ra, nhiều giả thuyết về tất cả mọi thứ mọc lên từng giây, từ danh tính của kẻ tấn công cho đến động cơ. Trong những thời điểm như vậy, những gì xảy ra trên thế giới cũng sẽ xuất hiện tương tự trên YouTube. Chúng tôi phản ánh hiện thực, nhưng chúng tôi biết mình cũng có thể định hình nó. Và đó là lý do vì sao nỗ lực ngăn chặn sự tràn lan thông tin sai lệch lại là một trong những cam kết sâu sắc nhất của chúng tôi.
Giải pháp cho việc này có thể không giống với những gì bạn nghĩ -- rằng chúng tôi chỉ cần cải thiện việc nhanh chóng gỡ bỏ nhiều nội dung hơn khỏi trang của chúng tôi. Chúng tôi đã tập trung vào việc đó kể từ khi ra mắt YouTube thông qua các Nguyên tắc Cộng đồng của mình. Hiện tại, chúng tôi lược bỏ gần 10 triệu video trong một quý, đa số các video này chưa đạt được 10 lượt xem. Việc gỡ bỏ nhanh chóng các thông tin sai lệch vẫn luôn quan trọng, nhưng chỉ sử dụng phương pháp này thôi là chưa đủ. Thay vào đó, nó xoay quanh cách chúng tôi xử lý tất cả những nội dung đang để lại trên YouTube mà sẽ mang lại cho chúng tôi con đường phát triển tốt nhất.
Điều quan trọng nhất mà chúng tôi có thể làm chính là đẩy mạnh cái tốt và giảm thiểu cái xấu. Đó là lý do vì sao tại YouTube, chúng tôi thu thập thông tin từ những nguồn đáng tin cậy và giảm tải sự lan truyền các video có chứa nội dung độc hại, sai lệch. Hiện nay, khi người dùng tìm kiếm tin tức hoặc thông tin, họ nhận về các kết quả đã được tối ưu hoá về chất lượng chứ không phải về mức độ giật gân của thông tin. Dưới đây là lý do vì sao chúng tôi lại đưa ra giải pháp cốt lõi này vào cách tiếp cận của mình:
Đầu tiên, nếu chúng tôi chỉ tập trung vào những nội dung cần gỡ bỏ, chúng tôi sẽ bỏ lỡ một lượng lớn các nội dung mà người dùng thật sự xem. Nội dung xấu chỉ đại diện cho phần trăm nhỏ trong hàng tỉ các video trên YouTube (chỉ khoảng 0.16% - 0.18% tổng số lượt xem thực sự là những nội dung vi phạm chính sách của chúng tôi). Và các chính sách của chúng tôi tập trung vào việc gỡ bỏ bất kỳ video nào có thể trực tiếp gây hại nghiêm trọng ở thế giới thực. Chẳng hạn, kể từ tháng 2.2020, chúng tôi đã gỡ bỏ hơn 1 triệu video liên quan đến thông tin nguy hại về virus corona, ví dụ như cách chữa trị sai lệch hoặc những tuyên bố lừa đảo. Giữa đại dịch toàn cầu như thế này, tất cả mọi người nên được trang bị những thông tin chính xác nhất để giữ an toàn cho bản thân và gia đình.
Tuy nhiên, để xác định rõ nội dung xấu, bạn cần một bộ dữ kiện rõ ràng. Đối với COVID, chúng tôi dựa vào sự đồng nhất về thông tin của chuyên gia từ các tổ chức y tế như CDC và WHO để theo dõi nếu khoa học có bước tiến mới. Trong hầu hết các trường hợp, thông tin sai lệch ít rõ ràng hơn. Về bản chất, nó phát triển liên tục và thường thiếu những dữ kiện chủ chốt để có thể xác định được đâu là thông tin chính xác. Chẳng hạn với hậu quả của một cuộc tấn công, thông tin xung đột có thể đến từ nhiều chiều hướng khác nhau. Thu thập thông tin từ đám đông thậm chí có thể dẫn đến việc xác định sai thủ phạm hoặc nạn nhân, dẫn đến hậu quả khôn lường. Trong trường hợp không chắc chắn, liệu các công ty công nghệ có nên quyết định khi nào và nơi nào để thiết lập ranh giới trong vùng đất mù mờ của thông tin sai lệch? Niềm tin mạnh mẽ của tôi cho rằng không.
Chúng tôi đã chứng kiến điều này trong những ngày sau kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Nếu không có một công nhận đắc cử chính thức để xác định lập tức, chúng tôi đã cho phép tiếng nói ở khắp mọi nơi tiếp tục lên tiếng. Tuy nhiên, hệ thống của chúng tôi mang đến người xem những nội dung đáng tin cậy nhất. Trong tuần đầu tiên đó, một số các kênh và video được xem nhiều nhất trong các đơn vị đưa tin về kỳ bầu cử đến từ các hãng thông tấn chính thống như CBS và USA Today. Sau khi các tiểu bang chứng nhận kết quả bầu cử vào đầu tháng 12, chúng tôi bắt đầu gỡ bỏ những nội dung cáo buộc gian lận bầu cử. Kể từ đó, chúng tôi đã gỡ xuống hàng ngàn video vi phạm các chính sách liên quan đến bầu cử, với hơn 77% video đã bị gỡ bỏ trước khi đạt 100 lượt xem.
Cách tiếp cận quá mức đối với việc gỡ bỏ video cũng có thể dẫn đến giảm nhiệt trên tự do ngôn luận. Tháo gỡ các video không phải là một công cụ hiệu quả, và nếu sử dụng quá rộng rãi, sẽ mang đến thông điệp rằng những ý tưởng gây tranh cãi là không được chấp nhận. Chúng tôi nhận thấy đang có một nỗ lực đáng quan ngại từ phía các chính phủ khi yêu cầu gỡ bỏ các nội dung vì mục đích chính trị. Và cá nhân tôi tin rằng, chúng ta sẽ trở nên tốt hơn khi chúng ta có thể có một cuộc tranh luận cởi mở. Thông tin sai lệch của một người thường là niềm tin sâu sắc của một người khác, bao gồm các quan điểm khiêu khích, có khả năng gây phản cảm, hoặc thậm chí trong một vài trường hợp, thông tin có thể không được kiểm tra tính xác thực. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của một nền tảng mở như chúng tôi cũng đồng nghĩa với một trách nhiệm giải trình lớn hơn để kết nối mọi người với thông tin chất lượng. Và chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư, cải tiến tất cả các sản phẩm của mình để đạt được sự cân bằng hợp lý giữa tự do ngôn luận và tự do tiếp cận.
Đôi khi tôi nhận được thắc mắc rằng liệu chúng tôi có để lại những nội dung nóng hổi vì muốn có lợi về tài chính hay không. Thực chất, chúng tôi nhận thấy loại nội dung này không những hoạt động không tốt trên YouTube -- đặc biệt khi so sánh với những nội dung phổ biến như âm nhạc và hài kịch -- mà còn khiến niềm tin giữa người xem và nhà quảng cáo bị xói mòn. Chúng tôi đã dành thời gian và tiền bạc đáng kể để đối phó với vấn đề này, và khi chúng tôi làm như vậy, công ty chúng tôi cũng như các nhà sáng tạo cũng được hưởng lợi nhuận kinh tế. Tóm lại, tính trách nhiệm là tốt cho doanh nghiệp.
Một số có thể không đồng ý với cách tiếp cận của chúng tôi và yêu cầu chúng tôi gỡ bỏ hoặc để lại thêm nhiều nội dung, nhưng tôi rất phấn khởi với những nỗ lực mà chúng tôi đang đầu tư. Đội ngũ của chúng tôi đang làm việc ngày đêm để cải thiện hệ thống của mình cũng như xây dựng nền tảng cơ bản giúp chúng tôi đối phó với thông tin sai lệch. Thông tin về hệ thống đó sẽ sớm ra mắt, nhưng tôi hi vọng rằng những quan điểm này đã làm sáng tỏ hơn một chút cách mà chúng ta suy nghĩ về thách thức không nhỏ đối phó với thông tin sai lệch trên YouTube.
- Neal Mohan, Giám đốc sản phẩm, YouTube