● Tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ đô la Mỹ trong năm 2021 lên 23 tỷ đô la Mỹ trong năm 2022 nhờ sự tăng trưởng 26% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái
● Thương Mại Điện Tử đạt tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực năm 2022 (26% CAGR)
● Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á, các thị trường tăng trưởng dài hạn của các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) - 83% quỹ đầu tư mạo hiểm kỳ vọng hoạt động thương vụ tại Việt Nam tăng trưởng trong dài hạn.
Việt Nam, ngày 27 tháng 10 năm 2022 - Hôm nay, Google, Temasek và Bain & Company công bố báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á lần thứ bảy với chủ đề Vượt qua sóng cả, vươn mình ra biển cơ hội, cập nhật xu hướng kinh tế số của sáu quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Năm nay, báo cáo cho thấy nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ đô la Mỹ trong năm 2021 lên 23 tỷ đô la Mỹ, nhờ sự tăng trưởng 26% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo e-Conomy SEA 2022 với chủ đề "Vượt qua sóng cả, vươn mình ra biển cơ hội"
Sau đại dịch, Việt Nam là một trong những quốc gia khôi phục các hoạt động “bình thường mới" một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, một số thói quen và xu hướng tiêu dùng được hình thành và thúc đẩy trong đại dịch vẫn được duy trì và tiếp tục phát triển. Thương mại điện tử trở thành đầu tàu trong sự tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam và có 90% người tiêu dùng kỹ thuật số dự định duy trì hay thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử trong 12 tháng tới. Phần lớn người tiêu dùng tập trung vào các dịch vụ Giao đồ ăn (60%) và Mua hàng tạp hóa trực tuyến (54%).
Người dùng kỹ thuật số thành thị tại Việt Nam có mức tiếp nhận dịch vụ kỹ thuật số cao nhất, trong đó lĩnh vực thương mại điện tử, thực phẩm và tạp hóa đứng đầu danh sách với tỷ lệ lần lượt là 96%, 85% và 85%. Mặt khác, tần suất một người Việt Nam tiêu thụ nội dung số thấp hơn mức trung bình của khu vực với 23% người tham gia khảo sát cho biết họ xem video theo yêu cầu ít nhất một lần mỗi tuần, tiếp đến là 19% cho hoạt động chơi game online và 16% cho hoạt động nghe nhạc theo yêu cầu. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
Các dịch vụ tài chính kỹ thuật số (DFS) tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Lĩnh vực Cho vay kỹ thuật số đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) nhanh nhất ở mức 114%, và lĩnh vực Đầu tư dự kiến sẽ có bước nhảy vọt lớn nhất vào năm 2025 với mức hơn 106% CAGR. Hơn nữa, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á trong thị trường tăng trưởng dài hạn của các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) với 83% quỹ đầu tư mạo hiểm kỳ vọng hoạt động thương vụ tại Việt Nam tăng trưởng trong dài hạn
Bà Stephanie, Phó chủ tịch Google Châu Á Thái Bình Dương, Phụ trách khu vực Đông Nam Á nhận định: “Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng năm nay với nền kinh tế kỹ thuật số có tốc độ phát triển nhanh nhất và thương mại điện tử có tốc độ tăng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Bất chấp những khó khăn hiện tại trên toàn cầu và khu vực, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam đang trên đà chạm mức 50 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025. Lực lượng lao động nội địa chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ và sự thâm nhập ngày càng tăng của dịch vụ số hóa ở các khu vực thành thị và nông thôn, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển kỹ thuật số của Việt Nam trong tương lai . Nhận thức ngày càng cao xoay quanh các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị sẽ giúp Việt Nam và khu vực Đông Nam Á xây dựng một kế hoạch tăng trưởng bền vững cho thập kỷ kỹ thuật số.”
Báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á đi sâu vào các xu hướng trong năm lĩnh vực chính gồm thương mại điện tử, truyền thông trực tuyến, vận chuyển & thực phẩm, và dịch vụ tài chính số (DFS), cũng như khắc họa bức tranh tổng quan nền kinh tế số trong khu vực. Lần đầu tiên đề cập đến lĩnh vực Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), báo cáo thảo luận về tác động môi trường và xã hội của nền kinh tế kỹ thuật số, đồng thời nhấn mạnh vai trò của người tiêu dùng, doanh nghiệp, nhà đầu tư và chính phủ trong việc cải thiện tính bền vững về môi trường và xã hội.
Các điểm nhấn chính trong báo cáo năm nay:
1. 1. Khi việc áp dụng kỹ số được bình thường hóa, chiến lược thu hút khách hàng chuyển đổi sang chiến lược tương tác khách hàng
Trong số 460 triệu người dùng Internet tại khu vực Đông Nam Á, có 100 triệu người đã hoạt động trực tuyến trong suốt 3 năm qua. Sau nhiều năm thúc đẩy, việc áp dụng kỹ thuật số đang dần bình thường hóa. Nhiều doanh nghiệp kỹ thuật số bắt đầu chuyển đổi chiến lược từ việc thu hút khách hàng mới sang việc tương tác sâu hơn cùng khách hàng hiện tại để tăng mức tiêu thụ và giá trị.
Thương mại điện tử có mức tiếp nhận ngang nhau giữa người tiêu dùng ở khu vực nội thành và ngoại thành, trong khi các dịch vụ thuộc những lĩnh vực còn lại chủ yếu tiêu thụ bởi người tiêu dùng thành thị. Đối với các lĩnh vực như mua hàng tạp hóa trực tuyến, du lịch, âm nhạc theo yêu cầu, mức độ tiếp nhận tại khu vực ngoại thành vẫn thấp và còn nhiều cơ hội để phát triển. Giữa những khó khăn kinh tế vĩ mô toàn cầu, thu nhập khả dụng giảm, giá cả tăng vọt và thiếu hụt sản phẩm đã tạo nên những tác động lớn đối với người tiêu dùng tại Đông Nam Á.
2. 2. Quỹ đạo tăng trưởng của các ngành theo 3 đường xu hướng riêng biệt
Dạng chữ S: Giữ vững vị trí trụ cột, thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh và dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 16% tổng giá trị hàng hóa mặc cho một phần hoạt động mua sắm ngoại tuyến đã được nối lại sau đại dịch và sự tập trung nhiều hơn vào lợi nhuận của các nền tảng kỹ thuật số. Thay vì thu hút khách hàng mới, thị trường đang chuyển đổi sang chiến lược tương tác sâu hơn với khách hàng sẵn có để đẩy mạnh tần suất, giá trị và lòng trung thành. Người bán đang bắt đầu cải thiện lợi nhuận bằng cách cắt giảm các chương trình khuyến mãi, chiết khấu và chuyển hướng sang kiếm tiền từ các dịch vụ giá trị gia tăng.
Quay trở lại đường xu hướng: Tốc độ tăng trưởng của các lĩnh vực kỹ thuật số như Giao đồ ăn và Truyền thông trực tuyến đang chậm lại sau thời kỳ cao điểm của đại dịch. Sau khi đạt mức tăng trưởng gấp 3 lần trong đại dịch, Giao đồ ăn quay về đường xu hướng , dự kiến đạt 14% mức độ tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa. Trong số các lĩnh vực phương tiện truyền thông trực tuyến có trả phí, mức tăng trưởng GMV giảm còn 9%; lĩnh vực âm nhạc và video tăng trưởng trở lại bình thường; quảng cáo kỹ thuật số giữ được đà phát triển nhưng ngành game đang chứng kiến sự sụt giảm về mức tiêu thụ.
Dạng chữ U: Lĩnh vực vận tải và du lịch trực tuyến dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ bởi lượng dịch chuyển tăng vượt mức sau đại dịch và du lịch quốc tế được mở lại, đạt mức tăng trưởng lần lượt 43% và 115% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các lĩnh vực phải đối mặt với những khó khăn như giá nhiên liệu tăng cao, thiếu hụt nguồn cung và các biện pháp hạn chế đi lại chưa được dỡ bỏ ở các thị trường lớn (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), trong khi nhu cầu của người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng vọt. Quá trình phục hồi được dự đoán sẽ diễn ra chậm và mất nhiều năm để đạt được mức của năm 2019.
3. 3. Các ngân hàng số hướng đến người tiêu dùng đại chúng và chưa tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng, trong khi các ngân hàng truyền thống vẫn đang đẩy nhanh quá trình số hóa
Do sự thay đổi hành vi ngoại tuyến sang trực tuyến sau đại dịch, tăng trưởng hai con số được nhìn thấy trên tất cả các phân ngành của DFS - thanh toán, chuyển tiền, cho vay, đầu tư, bảo hiểm. Các ngân hàng số đang tạo sức hút với giới trẻ thành thạo kỹ thuật số trong khi khách hàng giàu có và có tầm ảnh hưởng vẫn trung thành với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính đã có tên tuổi dựa trên số dư tiền gửi hiện có và nhiều khoản đầu tư của họ.
Nhờ môi trường tăng trưởng thuận lợi, từ năm 2019, thị trường Dịch vụ tài chính kỹ thuật số trở nên sôi động hơn, đặc biệt với những loại hình mới như ngân hàng số - vốn đang tận dụng mạng lưới nhà bán hàng và người tiêu dùng hiện có để tiếp cận tệp khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính phổ thông. Ngược lại, các ngân hàng truyền thống lại dựa vào những thế mạnh vốn có để đầu tư vào những giải pháp nhằm số hóa nhanh chóng. Cả hai loại hình này đều đang cạnh tranh sát sao để giành được sự chú ý của người tiêu dùng đại chúng và những người chưa thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.
4. 4. Quỹ đầu tư công nghệ duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp sự thận trọng của các nhà đầu tư
Với mức tăng trưởng 15% về các giá trị thương vụ từ nửa đầu năm 2021 đến nửa đầu năm 2022, nguồn vốn công nghệ vẫn được duy trì mạnh mẽ và Đông Nam Á tiếp tục là điểm nóng thu hút các khoản đầu tư công nghệ, bất chấp việc các nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn trong tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại.
Tại các thị trường tư nhân, các nhà đầu tư mạo hiểm vẫn dự trữ 15 tỷ USD để duy trì các thương vụ trong khu vực. Tuy nhiên, các khoản đầu tư giai đoạn đầu và giai đoạn cuối đang có những chiều hướng khác nhau - giai đoạn đầu đang phát triển mạnh trong khi giai đoạn cuối có xu hướng giảm do ảnh hưởng bởi các triển vọng xấu trong hoạt động IPO.
Singapore và Indonesia vẫn là các điểm đến đầu tư chính trong năm 2022, trong khi Việt Nam và Philippines đang nhận được sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư ở khía cạnh dài hạn hơn. Dịch vụ tài chính kỹ thuật số vượt qua thương mại điện tử, trở thành lĩnh vực đầu tư hàng đầu, với khoản đầu tư kỷ lục 4 tỷ đô la Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2022. Hoạt động thanh toán chiếm thị phần đáng kể trong các thương vụ về Dịch vụ tài chính kỹ thuật số. Hơn 80% nhà đầu tư mạo hiểm tham gia khảo sát[1] dự tính sẽ tập trung vào các dịch vụ y tế trực tuyến (healthtech), mô hình phân phối dịch vụ phần mềm (Software as a Service - SaaS) và Web 3.0, trong khi giáo dục trực tuyến (edtech) hạ nhiệt sau đại dịch.
5. 5. Các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp là những động lực chính cho sự tăng trưởng bền vững.
Nhận thức về các vấn đề Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp đang tăng lên ở Đông Nam Á và nền kinh tế số có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp người tiêu dùng thu hẹp khoảng cách ‘nói - làm’[2] và xây dựng các thói quen bền vững hơn. Khí thải và tài nguyên là những vấn đề môi trường nổi cộm nhất, trong khi chế độ đãi ngộ lao động và tính đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) vẫn là chủ đề xã hội được quan tâm hàng đầu.
Đông Nam Á là một trong những khu vực chịu nhiều hậu quả và rủi ro nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, dự báo nền kinh tế số của khu vực này sẽ tạo ra 20 triệu tấn khí thải vào năm 2030. Nếu khí thải được tối ưu hóa, lượng carbon của các kênh kỹ thuật số có thể giảm tới 30- 40% và có thể giảm hơn nữa so với các kênh truyền thống.
Nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á đã và đang mang lại những lợi ích xã hội lớn như các cơ hội kinh doanh, việc làm và sự tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các vấn đề như phúc lợi nhân viên cũng như tiếp cận bình đẳng về tài chính và công nghệ số cần được giải quyết để hiện thực hóa một cách đầy đủ các lợi ích xã hội từ công cuộc chuyển đổi số.
6. 6. Xác định làn sóng hướng tới một nền kinh tế kỹ thuật số bền vững
Nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh gấp đôi so với GDP ở hầu hết các quốc gia trong khu vực và có thể đạt tới 1.000 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030 nếu có thể khai thác tối đa tiềm năng. Nền kinh tế số vẫn sở hữu nền móng vững chắc cũng như có nhiều cơ hội tăng trưởng cho các lĩnh vực mới và thị trường mới.
Sự tiến bộ trong các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế kỹ thuật số, chẳng hạn như thanh toán, đầu tư, logistics, truy cập internet và lòng tin của người tiêu dùng đã tạo ra mức tăng trưởng chưa từng có. Để tiếp tục mở rộng quy mô một cách bền vững, nền kinh tế số Đông Nam Á cần thúc đẩy sự phát triển của một loạt các yếu tố tăng trưởng mới. Tăng tốc trên đường đua nâng cao lợi nhuận và đạt được các giải pháp kỹ thuật số toàn diện cho dân cư ở các khu vực ngoại ô, cùng với sự tiến bộ về các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp sẽ là chìa khóa cho sự tiến bộ trong thập kỷ kỹ thuật số.
“Nền kinh tế số Việt Nam sẽ là điểm nóng tăng trưởng vì sở hữu dân số ngày càng đông và nguồn lao động công nghệ nội địa có tay nghề cao”, Fock Wai Hoong, phó trưởng bộ phận Công nghệ & Người tiêu dùng và khu vực Đông Nam Á của Temasek cho biết “Cùng với các doanh nghiệp, chính quyền và cộng đồng, Temasek cam kết sử dụng nguồn vốn xúc tác của mình để thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững và bình đẳng trong nền kinh tế số của khu vực Đông Nam Á để mọi thế hệ đều thịnh vượng.”
“Nền kinh tế số Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ sau đợt ảnh hưởng của dịch COVID năm 2021. Chúng tôi kỳ vọng đà tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ tiếp theo trong bối cảnh nguồn nhân lực công nghệ địa phương chất lượng cao, những nỗ lực đáng kể từ phía chính phủ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số khắp các lĩnh vực, và sự tập trung của nhà đầu tư vào Việt Nam,” theo Willy Chang, Thành Viên Cộng sự của Bain & Company.
./.
-------------------------
Về Google
Sứ mệnh của Google là trở thành tổ chức thông tin của thế giới, làm cho nó trở nên phổ biến và hữu ích. Thông qua các sản phẩm và nền tảng như Tìm kiếm, Maps, Gmail, Android, Google Play, Chrome và YouTube, Google đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của hàng tỷ người và đã trở thành một trong những công ty được biết đến rộng rãi nhất trên thế giới. Google là một công ty con của Tập đoàn Alphabet Inc. www.google.com.vn.
Về Temasek
Temasek là một công ty đầu tư với giá trị danh mục đầu tư ròng là 381 tỷ đôla Singapore vào ngày 31/3/2021. Trụ sở đặt tại Singapore, Temasek có 13 văn phòng tại 9 quốc gia trên thế giới. Temasek Charter xác định ba vai trò của Temasek là Nhà đầu tư, Tổ chức và Người quản lý, giúp định hình các đặc tính của mình là làm tốt, làm đúng và làm điều tốt. Là một nhà cung cấp vốn xúc tác, chúng tôi tìm cách hỗ trợ các giải pháp cho những thách thức chính yếu toàn cầu. Với tính bền vững là cốt lõi của tất cả những gì Temasek làm, chúng tôi tích cực tìm kiếm các giải pháp bền vững để giải quyết các thách thức hiện tại và tương lai, cũng như nắm bắt các cơ hội có thể nghiên cứu để mang lại một tương lai bền vững cho tất cả mọi người. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng truy cập www.temasek.com.sg.
Về Bain & Company
Bain & Company là công ty tư vấn toàn cầu giúp những nhà tạo thay đổi tham vọng nhất trên thế giới định hướng tương lai. Tại 63 văn phòng ở 38 quốc gia, chúng tôi làm việc cùng với khách hàng của mình như một nhóm với chung một tham vọng đạt được kết quả phi thường, vượt trội so với đối thủ và định hình lại các ngành công nghiệp. Chúng tôi bổ sung kiến thức chuyên môn phù hợp, tích hợp của chúng tôi với một hệ sinh thái sôi động gồm các nhà đổi mới kỹ thuật số để mang lại kết quả tốt hơn, nhanh hơn và lâu dài hơn. Cam kết đầu tư hơn một tỷ đô la Mỹ vào các dịch vụ chuyên nghiệp trong 10 năm của chúng tôi mang đến nhân tài, chuyên môn và cái nhìn sâu sắc của chúng tôi cho các tổ chức đang giải quyết những thách thức cấp bách hiện nay về giáo dục, bình đẳng chủng tộc, công bằng xã hội, phát triển kinh tế và môi trường. Chúng tôi đã nhận được xếp hạng vàng từ EcoVadis, nền tảng hàng đầu về xếp hạng hiệu suất về môi trường, xã hội và đạo đức cho các chuỗi cung ứng toàn cầu, đưa chúng tôi vào nhóm 2% hàng đầu của tất cả các công ty. Kể từ khi thành lập vào năm 1973, chúng tôi đã đo lường thành công của mình bằng sự thành công của khách hàng và chúng tôi tự hào duy trì mức độ vận động khách hàng cao nhất trong ngành.
Ghi chú biên tập của Neal Mohan, Giám đốc sản phẩm: Khi video đầu tiên được tải lên YouTube vào năm 2005, nền tảng này chỉ có một thanh tìm kiếm và danh sách thẻ video trên trang chủ. Kể từ đó, YouTube đã có một số thay đổi. Qua bài đăng mới nhất này trong Chuỗi bài về sự đổi mới, chúng tôi muốn chia sẻ thông tin về thiết kế mới giúp YouTube trông hiện đại hơn, đồng thời giới thiệu các tính năng mới cho nền tảng YouTube mà bạn hằng yêu mến.
YouTube vừa kỷ niệm 17 năm ra mắt vào đầu năm nay và chúng tôi băn khoăn không biết đã đến lúc nền tảng này cần chút đổi mới hay chưa. Vì vậy, chúng tôi thu thập ý kiến của hàng nghìn người xem trên khắp thế giới và được biết rằng họ muốn thấy một thiết kế gọn gàng, sống động và thể hiện rõ nét hơn những giá trị của YouTube.
Từ hôm nay, chúng tôi sẽ ra mắt giao diện và một số tính năng mới để mang đến không gian xem hiện đại và sống động hơn, đồng thời cải thiện trải nghiệm xem video của người dùng. Nhưng đừng lo, YouTube mà bạn biết bấy lâu nay vẫn sẽ là YouTube thôi.
Dải màu rực rỡ
Màu sắc là chủ đề mà chúng tôi chú trọng trong giai đoạn phát triển. Chúng tôi muốn các ứng dụng của YouTube trở nên rực rỡ hơn nhưng không ảnh hưởng đến thói quen của người xem, dù đó là xem video đề xuất hay duyệt tìm nội dung mới.
Sau khi chúng tôi thử nghiệm một số ý tưởng, chế độ môi trường xung quanh đã ra đời. Chúng tôi biết mình đang đi đúng hướng khi ý tưởng thiết kế đầu tiên nhận được phản hồi vô cùng tích cực từ người dùng trong quá trình thử nghiệm.
Nhờ khả năng linh động lấy mẫu màu sắc, chế độ môi trường xung quanh tạo nên hiệu ứng tinh tế để màu nền ứng dụng điều chỉnh cho phù hợp với video. Lấy cảm hứng từ ánh sáng chiếu từ màn hình trong một căn phòng tối, chúng tôi muốn tái hiện hiệu ứng đó để nội dung chiếm trọn tầm mắt người xem và video xuất hiện nổi bật hơn nữa trên trang xem. Tính năng này sẽ có trên web và thiết bị di động khi bạn dùng giao diện tối.
Nhân đây, chúng tôi muốn chia sẻ rằng chúng tôi đã lắng nghe phản hồi của người dùng và rất vui được thông báo rằng giao diện tối nay đã tối hơn, giúp màu sắc thực sự nổi bật trên màn hình. Bản cập nhật này sẽ ra mắt trên web, thiết bị di động và TV thông minh.
Chúng tôi cũng có tin vui dành cho những người dùng thích tuyển chọn video để tạo các danh sách phát hấp dẫn! Danh sách phát video sẽ có hiệu ứng màu sắc tương tự như trên và từ nay, mỗi danh sách phát sẽ hiện nhiều thông tin chi tiết hơn để khán giả dễ dàng xem ngay.
Lấy video làm gốc
Chúng tôi biết lý do chính bạn dùng YouTube là để xem nội dung yêu thích. Vì vậy, chúng tôi đang cải tiến để đưa trình phát video trở lại làm tâm điểm của trải nghiệm xem.
Trang xem nay đã dễ nhìn hơn: các đường liên kết của YouTube trong phần mô tả video sẽ chuyển thành các nút, còn các thao tác thường dùng như thích, chia sẻ và tải xuống đã được thiết kế lại để tránh gây mất tập trung. Nút đăng ký cũng được thay áo mới: hình dáng và độ tương phản cao giúp nút này nổi bật hơn. Mặc dù đó không còn là nút màu đỏ, nhưng mọi người vẫn dễ dàng tìm thấy nút trên cả trang xem và trang kênh.
Ngoài giao diện, chúng tôi còn cập nhật các tính năng. Trước đó trong năm nay, sau khi giới thiệu và thử nghiệm một số tính năng sản phẩm mới trên youtube.com/new, chúng tôi thấy nhiều người dùng thắc mắc về thời điểm ra mắt rộng rãi các tính năng đó. Giờ đây, không ai phải chờ đợi nữa! Chúng tôi sẽ cung cấp tính năng chụm để thu phóng và chế độ tua chính xác cho tất cả người dùng kể từ hôm nay.
Bằng tính năng chụm để thu phóng, giờ đây, bạn có thể dễ dàng phóng to và thu nhỏ video khi dùng điện thoại Android hoặc iOS. Khi bạn thả tay ra, video vẫn ở chế độ phóng to để bạn được thấy rõ từng chi tiết cho đến hết video. Bạn sẽ không còn mỏi tay nữa!
Có bao giờ bạn làm theo một video hướng dẫn trên điện thoại nhưng cần tua đi tua lại để làm thuần thục một bước nhỏ chưa? Chế độ tua chính xác sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này. Trên máy tính hay thiết bị di động, bạn chỉ cần kéo hoặc vuốt lên trong khi tua để thấy một hàng những hình thu nhỏ trong trình phát video. Tại đây, bạn có thể điều chỉnh kỹ hơn để di chuyển đến đúng phần mà bạn muốn xem trong video.
Chế độ tua chính xác được xây dựng dựa trên những điểm cải tiến gần đây liên quan đến thao tác trên video để giúp bạn nhanh chóng tìm phần mình quan tâm nhất. Chúng tôi đã ra mắt tính năng nhấn và giữ ở vị trí bất kỳ trên trình phát để tua và tính năng nhấn đúp bằng hai ngón tay để bỏ qua phân cảnh. Chúng tôi cũng thêm một biểu đồ cho thấy các khoảnh khắc được phát lại nhiều nhất trong video.
Phản hồi của nhà sáng tạo và người xem luôn đóng vai trò quan trọng tại YouTube. Đội ngũ của chúng tôi luôn nỗ lực tìm cách cải thiện YouTube cho người dùng. Những điểm cập nhật trong bài đăng này cũng không phải ngoại lệ. Trong vài tuần tới, những thay đổi này sẽ từng bước được triển khai cho tất cả người dùng. Vì thế, hãy dùng thử thiết kế mới và cho chúng tôi biết cảm nhận của bạn nhé!
Tác giả: Jerry Dischler – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Google Ads
Quảng cáo trực tuyến sẽ không còn làm bạn bối rối hoặc nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Người dùng Internet hiện nay có thể chủ động kiểm soát loại quảng cáo mà họ sẽ thấy trên mạng, dù là trên nền tảng YouTube, Google Tìm kiếm hay các nền tảng khác ngoài Google.
Vì vậy hôm nay, Google bắt đầu triển khai “Trung tâm quảng cáo của tôi” (My Ad Center) cho người dùng trên khắp thế giới để giúp họ kiểm soát các loại quảng cáo hiển thị trên những sản phẩm của Google như YouTube, Tìm kiếm (Search) và Khám phá (Discover). Bạn cũng có thể chặn các quảng cáo nhạy cảm và tìm hiểu thêm về thông tin được sử dụng để cá nhân hóa trải nghiệm quảng cáo của mình.
Quảng cáo về điều bạn quan tâm
“Trung tâm quảng cáo của tôi” được thiết kế để trao quyền kiểm soát nhiều hơn cho người dùng đối với trải nghiệm quảng cáo của mình trên các trang web và ứng dụng của Google. Khi đăng nhập vào tài khoản Google, người dùng có thể trực tiếp truy cập “Trung tâm quảng cáo của tôi” từ các quảng cáo trên Tìm kiếm, YouTube và Khám phá, đồng thời chọn hiển thị thêm các thương hiệu cũng như chủ đề bạn ưa thích và ngược lại. Bạn sẽ không bao giờ phải mất thời gian tìm kiếm quyền kiểm soát hay giải mã cách thông tin của bạn được sử dụng. Thay vào đó, bạn có thể quản lý các tùy chọn quảng cáo của mình ngay cả khi đang sử dụng Internet.
Hãy tưởng tượng bạn đã dành hàng tháng trời để nghiên cứu cho chuyến đi biển vừa rồi, và bây giờ khi trở lại, bạn không muốn Google hiển thị quảng cáo về kỳ nghỉ nữa. Với công cụ này, bạn chỉ cần nhấn vào menu ba chấm bên cạnh quảng cáo và chọn xem ít loại quảng cáo đó hơn. Ngược lại, bạn cũng có thể chọn xem quảng cáo về những thứ bạn quan tâm, chẳng hạn như ưu đãi giày thể thao hoặc quà tặng mùa lễ cho những người thân yêu của mình.
Giao diện công cụ “Trung tâm quảng cáo của tôi” (My Ad Center)
Tính năng cá nhân hóa quảng cáo cũng có thể được tắt hoàn toàn; chế độ này được đặt ngay trung tâm giao diện, giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm và thao tác. Nếu bạn tắt điều khiển này, bạn vẫn sẽ thấy quảng cáo, tuy nhiên chúng có thể ít liên quan và hữu ích với bạn. Điều này sẽ áp dụng ở bất kỳ đâu khi bạn đăng nhập bằng Tài khoản Google của mình.
Có thể có một số chủ đề quảng cáo mà bạn không muốn xem thấy. Với “Trung tâm quảng cáo của tôi”, bạn có thể chọn giới hạn các quảng cáo về những chủ đề như rượu, hẹn hò, giảm cân, cờ bạc, mang thai và nuôi dạy con.
Tại “Trung tâm quảng cáo của tôi”, người dùng có thể bấm vào “Customize Ads” để chọn chủ đề và nhãn hàng muốn xem nhiều hoặc xem ít
Công cụ kiểm soát quảng cáo ưu tiên quyền riêng tư của người dùng
Google tuân theo một loạt các nguyên tắc bảo mật cốt lõi về những thông tin chúng tôi được và không được thu thập. Chúng tôi không bao giờ giao dịch thông tin cá nhân của bạn cho bất kỳ ai và cũng không bao giờ sử dụng nội dung bạn lưu trữ trong các ứng dụng như Gmail, Photos và Drive cho mục đích quảng cáo. Đồng thời, chúng tôi không bao giờ sử dụng thông tin nhạy cảm để cá nhân hóa quảng cáo - như sức khỏe, chủng tộc, tôn giáo hoặc khuynh hướng tính dục, vì đó là việc quá giới hạn.
Dựa trên những nguyên tắc đó, “Trung tâm quảng cáo của tôi” cung cấp cho người dùng khả năng kiểm soát thông tin được sử dụng để cá nhân hóa các quảng cáo họ thấy. Ngoài ra, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin mà chúng tôi sử dụng và chủ động kiểm soát nó dựa trên tùy chọn của mình nếu không chắc chắn về thông tin đã chia sẻ.
Người dùng có thể quyết định loại hoạt động được sử dụng để khiến sản phẩm Google phù hợp với trải nghiệm của mình - độc lập với các quảng cáo được hiển thị. Trước đây, nếu lịch sử xem YouTube của bạn được bật, nó sẽ tự động thông báo cách quảng cáo của bạn được cá nhân hóa. Giờ đây, nếu bạn không muốn dùng Lịch sử YouTube của mình để cá nhân hóa quảng cáo, bạn có thể tắt tính năng này trong “Trung tâm quảng cáo của tôi” mà không ảnh hưởng đến các đề xuất liên quan trong bảng feed của mình.
Bạn cũng có thể thấy quảng cáo dành cho các đối tượng nhất định dựa vào hoạt động trên Google của bạn - các hạng mục như giáo dục, tình trạng mối quan hệ hoặc ngành nghề bạn làm việc. Giờ đây, người dùng sẽ được chọn và điều chỉnh cách các hạng mục hiển thị quảng cáo, hoặc tắt chúng hoàn toàn, giúp lựa chọn được trải nghiệm quảng cáo phù hợp với mình hơn.
“Trung tâm quảng cáo của tôi” giúp tùy chỉnh bật hoặc tắt Lịch sử YouTube để cá nhân hóa quảng cáo
Kiểm soát quảng cáo ngoài Google
Người dùng đôi khi có thể thấy quảng cáo từ những doanh nghiệp sử dụng công cụ của Google để quảng cáo trên các trang web và ứng dụng khác. Tùy chọn tắt quảng cáo được cá nhân hóa trong “Trung tâm quảng cáo của tôi” áp dụng cho các quảng cáo hiển thị trên Google và ngoài Google, cũng như sẽ tự động áp dụng trên bất kỳ thiết bị nào đã đăng nhập tài khoản Google. Nếu chưa đăng nhập vào Google, người dùng vẫn có thể kiểm soát các tùy chọn của mình trong Cài đặt quảng cáo.
Google có trách nhiệm củng cố, giúp người dùng kiểm soát trải nghiệm quảng cáo của mình, đồng thời đảm bảo rằng mọi người an toàn hơn cùng Google mỗi ngày. Để tìm hiểu thêm về cam kết bảo mật của chúng tôi, hãy truy cập trang Trung tâm An toàn Google.
Hai cha con cùng nhau xem video trên điện thoại.
Một vài hình ảnh minh họa khác:
5 năm về trước, chúng tôi đã cho ra mắt Family Link như một công cụ để cha mẹ có thể đồng hành trên hành trình lớn khôn của con bạn. Và từ đó, chúng tôi đi cùng các gia đình trên toàn thế giới xây dựng những thói quen kỹ thuật số lành mạnh thông qua việc cài đặt giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử, học hỏi cùng con trẻ với những nội dung phù hợp với lứa tuổi với cài đặt giới hạn nội dung, và nhiều tính năng khác.
Nhân tháng Nhận thức An toàn mạng Thế giới 2022 (Cybersecurity Awareness Month), Google cũng mong muốn giới thiệu với các bậc cha mẹ tại Việt Nam rằng Family Link là một ứng dụng rất dễ sử dụng và hiệu quả trong việc cùng con khám phá thế giới một cách an toàn trên môi trường trực tuyến.
Ngày hôm nay, chúng tôi gửi đến bạn một trải nghiệm hoàn toàn mới với Family Link, với lời hứa sẽ giúp bạn và gia đình mình an toàn hơn trên không gian mạng.
Một trải nghiệm mới thân thiện hơn với phụ huynh
[Hình ảnh minh họa cho tính năng UI mới] - Hình động minh họa hiển thị 3 mục trên 1 chiếc điện thoại
Google đã thiết kế lại giao diện Family Link sao cho người dùng có thể tiếp cận những công cụ cần thiết một cách nhanh chóng. Giờ đây, bạn sẽ thấy những tính năng được yêu thích như giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử và chế độ tắt/mở quyền truy cập vào các ứng dụng dưới một trải nghiệm hoàn toàn mới, và một màn hình trung tâm riêng cho các thông báo và yêu cầu cần bạn cập nhật. Ngoài ra, chúng tôi cũng gửi đến những tính năng mới - giải pháp được đưa ra dựa trên những góp ý từ phụ huynh.
Khi nhận được những phản hồi về việc khó thao tác các tính năng quản lý thời gian của con và hướng dẫn con đến những nội dung phù hợp với lứa tuổi trên mạng, chúng tôi đã nghiên cứu để gửi đến bạn tab Kiểm Soát - phụ huynh sẽ dễ dàng giám sát các con qua khả năng giới hạn thời gian sử dụng cho từng thiết bị hoặc ứng dụng cụ thể, cài đặt nội dung được xem và quản lý quyền tải ứng dụng.
Chúng tôi hiểu rằng đôi lúc bạn muốn linh động để con có thêm thời gian giải trí hoặc học tập, như khi con đang trong kỳ nghỉ hè hay cần 2 phút nữa để xem hết một chương trình yêu thích, tính năng “Chỉ trong hôm nay” được thiết kế để cho phép bạn thêm một cài đặt thời gian khác bên cạnh thời gian sử dụng chung, và điều chỉnh chúng trong một ngày mà không ảnh hưởng đến cài đặt và giới hạn đã được thiết lập trước.
[Hình ảnh minh họa cho Tab Kiểm Soát - hiển thị giới hạn thời gian sử dụng “Chỉ trong hôm nay”]
Tab Vị Trí giờ đây sẽ hiển thị những địa điểm mà các con đi qua thông qua định vị của thiết bị điện tử, giờ đây, phụ huynh sẽ không còn phải lo lắng quá nhiều về việc con mình đang ở đâu. Các tính năng hữu ích khác như thời gian sử dụng pin và rung chuông thiết bị điện thoại của con trong phạm vi gần cũng được đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, bạn có thể tùy chỉnh các thông báo để cập nhật nếu con đã đến một địa điểm cụ thể như trường học hoặc sân bóng đá. Dữ liệu chỉ được sử dụng cho dịch vụ định vị địa điểm dưới sự cho phép của phụ huynh và sẽ tự động xóa sau 24 giờ.
[Hình ảnh minh họa cho Tab Vị Trí - hiển thị thông báo Địa Điểm]
Chúng tôi hiểu rằng phụ huynh có những công việc riêng cần phải hoàn thành nên đôi khi sẽ khó quan sát để hỗ trợ con cái kịp thời. Ở mục Nổi Bật của ứng dụng Family Link, phụ huynh sẽ thấy được các ứng dụng con trẻ đã dùng qua, thời gian sử dụng các thiết bị điện tử và những ứng dụng mới được cài đặt, từ đó cha mẹ có thể hiểu được các con đã sử dụng thiết bị cá nhân như thế nào. Chúng tôi cũng đồng thời đem đến những nội dung đáng tin cậy từ các đối tác Common Sense Media, Connect Safely, Viện An toàn Không gian mạng cho Gia đình (Family Online Safety Institute) để phụ huynh có thể trao đổi với con về chủ đề an toàn trên không gian mạng ngay tại nhà. Google sẽ liên tục cập nhật những thông tin chi tiết và nội dung hữu ích cho tab Nổi Bật để đáp ứng các nhu cầu của phụ huynh và con cái.
[Hình ảnh minh họa cho mục Nổi Bật - bao gồm nội dung và những phân tích chi tiết]
Chúng tôi đã thiết kế ra một giao diện trung tâm để bạn có thể tiếp nhận những yêu cầu từ con cái và xem qua các thông báo. Chỉ với một cú chạm vào chuông thông báo ở đầu ứng dụng, bạn đã có thể chú ý ngay đến những cập nhật quan trọng và tìm thấy các yêu cầu từ con trẻ về việc tải, mua ứng dụng hay quyền truy cập vào các trang đã được chặn trước.
[Hình minh họa cho trang Thông Báo]
Family Link đã có mặt trên trang web trực tuyến cho bạn và các con. Nếu bạn đang không có điện thoại trên tay hay ứng dụng chưa thể cài đặt trên thiết bị, bạn vẫn có thể truy cập vào các tính năng bạn mong muốn trực tuyến. Đối với các con, trải nghiệm trên trang Family Link phiên bản trên trang web sẽ giúp chúng hiểu rõ hơn về cài đặt kiểm soát của cha mẹ.
Bản cập nhật cho những tính năng mới này sẽ đến tay người dùng trong vài tuần tới. Mời bạn tìm hiểu thêm những thông tin chi tiết tại g.co/familylink.
Tháng 10 hàng năm là tháng Nhận thức An toàn Mạng trên thế giới (Cybersecurity Awareness Month), nhân dịp này, Google cho ra mắt một chuỗi phim ngắn 6 tập mang tên Hacking Google, giới thiệu về đội ngũ nhân viên bảo mật ưu tú của chúng tôi - những người đã góp sức cho công cuộc bảo vệ người dùng trên không gian mạng - nhiều hơn bất kỳ đơn vị nào trên thế giới. Hacking Google sẽ bắt đầu với tập phim về cuộc điều tra vụ tấn công mạng lịch sử Chiến Dịch Ánh Ban Mai vào năm 2009 và những ảnh hưởng của nó đến việc tái thiết lập hạ tầng bảo vệ của Google, dưới lời kể của các nhân viên đã trực tiếp hỗ trợ ngăn cản cuộc tấn công. Chuỗi phim ngắn sẽ tiếp tục kể về sự ra đời của các phòng ban - bao gồm Nhóm Phân Tích Các Mối Đe Dọa (Threat Analysis Group - TAG), Đội Ngũ ‘Báo Động Đỏ’ (Red Team), Đề án Số 0 (Project Zero) và nhiều nội dung khác. Những hồ sơ này cung cấp góc nhìn sâu hơn về trọng trách mà mỗi phòng ban đảm nhận, từ việc theo dõi hoạt động của những kẻ tấn công được chính phủ hậu thuẫn, đến cố gắng xâm nhập vào chính những lỗ hổng của hệ thống Google để kiểm tra khả năng bảo mật của công ty và hơn thế nữa.
Đằng sau những sản phẩm công nghệ tối tân mà bạn đang sử dụng, đội ngũ bảo mật của Google vẫn luôn miệt mài làm việc để mọi người dùng có thể yên tâm khi lướt mạng, cho dù đó là ngăn chặn các cuộc tấn công mạng do Chính phủ hậu thuẫn, hay thậm chí xâm nhập vào chính những lỗ hổng của hệ thống Google để tăng cường hàng rào bảo mật của công ty. Và hôm nay, chúng tôi sẽ cùng các bạn ghé thăm đội ngũ bảo mật ưu tú của Google, để xem họ đang hoạt động như thế nào phía sau màn hình, với chuỗi 6 phim tài liệu ngắn mang tên HACKING GOOGLE.
Câu chuyện bắt đầu từ những năm 2010, khi chúng tôi công bố với thế giới rằng Google đã phát hiện một quốc gia đang tấn công để chống lại hạ tầng của công ty, điều này dẫn đến việc quyền sở hữu trí tuệ bị đánh cắp và khiến ít nhất 20 công ty khác bị ảnh hưởng. Dưới tên gọi Chiến dịch Ánh Ban Mai (Operation Aurora), cuộc tấn công là một sự kiện khó quên trong lịch sử an ninh mạng, song, cũng đánh dấu lần đầu tiên một công ty như Google công khai thừa nhận một cuộc tấn công với tầm cỡ như vậy. Đây cũng là bước ngoặt để chúng tôi thiết lập lại hạ tầng bảo vệ của Google.
Sau chiến dịch Ánh Ban Mai, chúng tôi bắt đầu một cuộc nâng cấp lớn với đội ngũ bảo mật, chiến lược và năng lực kỹ thuật. Hàng tỷ USD vốn đầu tư mới, hàng ngàn chuyên gia bảo mật hàng đầu thế giới, những mẫu hình (paradigms), phần cứng hoàn toàn mới và đội ngũ chuyên môn cao được tập hợp lại, tất cả đều có chung một mục đích: đảm bảo rằng người dùng luôn được bảo vệ an toàn trước bất kỳ nguy cơ tấn công nào có thể xảy ra trong tương lai. 13 năm sau, chúng tôi đã có thể tự hào và nói rằng Google bảo vệ người dùng an toàn trên không gian mạng nhiều hơn bất kỳ đơn vị nào trên thế giới.
HACKING GOOGLE giới thiệu một số đội ngũ nhân viên đã góp sức cho công cuộc này. Chuỗi phim ngắn đang được công chiếu rộng rãi, tiếp nối Thử thách H4CK1NG G00Gl3, nơi hàng ngàn ‘hacker’, các nhóm học sinh và những người có đam mê sở thích từ hơn 100 quốc gia cùng nhau xử lý và giải đáp các vấn đề nan giải về bảo mật để mở khóa từng tập phim:
Tập 000: Chiến dịch Ánh Ban Mai. Điều gì sẽ xảy ra khi một quốc gia tấn công một công ty? Phát hiện từ Google và quá trình tái định nghĩa khái niệm an ninh trên không gian mạng.
Tập 001: Nhóm Phân Tích Các Mối Đe Dọa. Cảnh giác. Phòng vệ. Lời giải. Khi đối mặt với các mối đe dọa, sẽ luôn có những người đứng ra bảo vệ những người còn lại. Nhưng liệu ai sẽ là người tìm ra những mối đe dọa đang rình rập trên không gian mạng?
Tập 002: Định Vị & Đẩy Lùi. Gặp gỡ những ‘người hùng’ của không gian mạng, đội ngũ ưu tú luôn sẵn sàng bảo vệ bạn khi có vấn đề xảy ra.
Tập 003: Đội Ngũ ‘Báo Động Đỏ’. Họ có duy nhất một công việc: xâm nhập vào những lỗ hổng của Google từ bên trong.
Tập 004: Thợ Săn Lỗ Hổng. Họ có thể là học sinh, luật sư, chuyên gia công nghệ thông tin, hoặc là bất cứ ai có niềm đam mê sở thích. Và họ đã tấn công Google hàng triệu triệu lần trong thời gian rảnh của mình.
Episode 005: Đề Án Số 0 (Project Zero). 0 ngày. Đó có thể là những hiểm họa nguy cấp nhất. Và cuộc tìm kiếm căng não sẽ không dừng lại cho đến khi chúng tôi tìm được nó trước những kẻ có ý định tấn công.
Và cuối cùng, Tấn Công Google để Bảo Vệ Doanh Nghiệp. Bước về phía sau hậu trường với Giám đốc mảng An toàn Thông Tin của Google Cloud, Phil Venables, để gặp gỡ những nhân viên đã giúp mọi hoạt động của Google Cloud được bảo vệ trước những mối nguy hại.
Mỗi ngày, hàng tỷ người dùng truy cập Google để tìm kiếm thông tin an toàn, nhận chỉ dẫn đường đi, kết nối với người thân yêu, và hơn thế nữa. Khi mọi người tin tưởng sử dụng sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi, trách nhiệm của chúng tôi là đảm bảo mọi thông tin cá nhân của người dùng được riêng tư, an toàn và bảo mật nhất.
Để biết thêm về những câu chuyện chưa từng kể về những chuyên gia đứng đằng sau sự an toàn của bạn trên không gian mạng, mời bạn đón xem HACKING GOOGLE đang được chiếu trên YouTube.